Sơn Hòa là huyện miền núi, cách TP Tuy Hòa 47km về phía tây. Huyện có quốc lộ 25 và quốc lộ 19C nối Phú Yên với Tây Nguyên, có núi non hùng vĩ, với nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình du lịch sinh thái và văn hóa đặc trưng của vùng đồng bào thiểu số nơi đây.
ĐA DẠNG TÀI NGUYÊN, VĂN HÓA
Con sông Ba dài 359km, phát nguyên từ tỉnh Kon Tum chảy qua tỉnh Gia Lai và huyện Sơn Hòa rồi xuôi ra biển Đông. Vùng cao nguyên Vân Hòa và Trà Kê có không khí trong lành, quanh năm mát mẻ, nhiệt độ trung bình 220C. Những con sông, dòng suối trên đất Sơn Hòa lượn theo triền núi, có lúc trườn mình trên các gộp đá cheo leo để rồi đổ xuống tạo thành những dòng thác trắng xóa. Khu rừng đặc dụng Krông Trai có nhiều lâm sản và động vật quý hiếm được bảo tồn.
Sơn Hòa còn được thiên nhiên ban tặng nhiều con suối, thác, hồ tự nhiên rất đẹp, như: thác Nguyên Xuân, thác Thá, hồ Suối Bùn, hồ Vân Hòa, thủy điện Sông Ba Hạ. Riêng hồ thủy điện Sông Ba Hạ có dung tích 395 triệu m3 nước, có nhiều loại cá như lăng, rô phi, chình, sốc...
Không chỉ đa dạng về tài nguyên thiên nhiên, Sơn Hòa còn có nhiều giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số Ê Đê, Chăm H’roi, Ba Na và các di tích, chứng tích lịch sử gắn liền với đất và người Sơn Hòa. Trên địa bàn huyện có 17 dân tộc anh em chung sống; mỗi dân tộc có nét đặc trưng riêng về phong tục, tập quán, tạo nên sự phong phú đa dạng trong đời sống văn hóa. Những lễ hội văn hóa truyền thống được tổ chức hàng năm như: hội đua ghe, thuyền rồng, hội thơ Xuân, thi đấu cờ tướng, lễ cúng tiền hiền tưởng nhớ người có công khai hoang, mở đất làng Củng Sơn. Đồng bào các dân tộc thiểu số Ê Đê, Chăm H’roi, Ba Na có các lễ hội, phong tục độc đáo: lễ cúng bỏ mả, cúng đất, cúng làng, cúng bến nước, lễ hội cồng chiêng, lễ rước hồn lúa mới, mời khách uống rượu ché, cúng đổ đầu, bắn nỏ…
Các dân tộc thiểu số ở đây còn gìn giữ những món ăn truyền thống được chế biến từ các loại rau rừng như canh bồi, nấm khoang, canh cà nút áo với lá sắn và măng tươi. Thịt bò thì họ nướng than củi chấm với muối ớt kiến vàng và lá teng leng, cà xóc gan bò tươi, bóp dé với kiến vàng; thịt heo nướng trong ống lồ ô... Thức uống là rượu ché ủ gạo lúa rẫy, bắp tẻ vàng nghệ với men truyền thống, nguyên liệu làm bằng lá, rễ cây rừng… Các loại hình nghệ thuật như đẽo tượng nhà mồ, cất nhà sàn, dệt thổ cẩm; chế tác các loại nhạc cụ đàn T’rưng, đàn T’nik, đàn Goong… đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của họ.
DU LỊCH SINH THÁI, VỀ NGUỒN
Cao nguyên Vân Hòa có độ cao trung bình 400m so với mặt nước biển, khí hậu ôn hòa. Ông Phan Nguyễn Hoàng Quốc, cán bộ Ban quản lý di tích Nhà thờ Bác Hồ, cho biết: “Cao nguyên Vân Hòa gồm ba xã: Sơn Định, Sơn Long và Sơn Xuân. Nơi đây là khu căn cứ của tỉnh Phú Yên trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, có Nhà thờ Bác Hồ, Hội trường Mùa Xuân đã được phục dựng. Khu căn cứ này là di tích lịch sử cấp quốc gia, mỗi năm Ban quản lý khu di tích đón từ 4.000 đến 5.000 lượt khách từ các nơi đến thăm viếng”. Ngoài ra, Sơn Hòa còn có ba di tích lịch sử cấp tỉnh là: Trại an trí Trà Kê (xã Sơn Hội); Địa điểm quản thúc luật sư Nguyễn Hữu Thọ và Mộ liệt sĩ tập thể Bắc Lý (thị trấn Củng Sơn). Chị Phạm Tú Trinh ở TP Phan Thiết (Bình Thuận) đến Sơn Hòa du lịch, cảm nhận: “Cao Nguyên Vân Hòa không khí như Đà Lạt, buổi chiều và sáng sớm lành lạnh, thác Nguyên Xuân nước trong xanh thật tuyệt, thích thú nhất là đi câu cá ở hồ thủy điện Sông Ba Hạ. Đồng bào ở đây ai cũng hiếu khách”.
Du lịch văn hóa, cộng đồng cũng là một thế mạnh và nhiều tiềm năng ở huyện miền núi này. Ông Y Van, nguyên Trưởng Phòng VHTT huyện Sơn Hòa, nói: “Người đồng bào dân tộc thiểu số ở đây còn lưu giữ nhiều truyền thuyết và nhạc cụ, nghề truyền thống: chiêng cổ, ché cổ, làng dệt thổ cẩm và nhiều nghệ nhân tấu cồng chiêng, múa xoan, chế tác nhạc cụ… Điều này rất thích hợp với các du khách muốn trải nghiệm cuộc sống và tìm hiểu văn hóa, thưởng thức các món ăn truyền thống của đồng bào”.
Hiện tại, dịch vụ thông tin liên lạc đã phủ sóng tất cả các xã; taxi phục vụ 24/24 giờ; nhiều cơ sở kinh doanh lưu trú tại trung tâm huyện và xã Suối Bạc được xây dựng khang trang, đảm bảo nhu cầu nghỉ ngơi của du khách.
Nguồn: baophuyen.com.vn
Tiềm năng phát triển du lịch sinh thái tại huyện Sơn Hòa - Phú Yên
Reviewed by Duy Thắng
on
00:01
Rating:
Không có nhận xét nào: