Các chuyên gia cho rằng, hiện tượng hải sâm dạt dày vào bờ Phú Quốc có thể do nền đáy biển bị cày xới, san hô bị xâm hại khiến chúng sống không nổi phải di cư.
Ông Nguyễn Minh Trực - Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Quốc (Kiên Giang) - cho biết, hải sâm trôi dạt vào từng cụm, đủ kích cỡ, ước lượng hơn 2 tấn và trải dài trên 10 km bãi biển Phú Quốc, đoạn từ Dương Đông đến Đường Bàu. "Từ trước đến nay chỉ có cá, mực dạt vào bãi biển chứ không có hải sâm nhiều như thế", ông Trực nhận định.
Theo ông Trực, bước đầu ngành chức năng nghi ngờ có thể do tàu chở hải sâm bị chìm khi đi ngang Phú Quốc. Nhưng khi kiểm tra, các tàu thường chở hải sâm chết, ướp đá, còn loại dạt vào bãi biển đa số còn sống. Mặt khác, Phú Quốc chỉ có hải sâm đen trong khi đây lại là hải sâm trắng.
"Hải sâm sống dưới đáy biển, chắc chắn có sự xáo trộn môi trường sống mới trồi lên để di cư hàng loạt. Khi gặp biển động, gió mùa Tây Nam thổi mạnh nên dạt vào bãi biển nhiều như thế", ông Trực nói và cho biết Phòng kinh tế đã lấy mẫu gửi đi kiểm tra, tìm nguyên nhân.
Người dân đổ xô bắt hải sâm ở bãi biển Phú Quốc.
Còn theo các chuyên gia thủy sản Đại học Cần Thơ, hiện tượng này có thể do mật độ khai thác hải sản trên vùng biển Phú Quốc ngày càng dày đặc. Đặc biệt là việc ào ạt cào bắt con banh lông để bán cho Trung Quốc hồi mấy tháng trước khiến môi trường đáy biển bị cày xới, thay đổi... Từ đó hải sâm không chịu nổi phải di cư.
Tiến sĩ Vũ Ngọc Long - Viện trưởng Sinh thái học miền Nam - cho biết, loài hải sâm chủ yếu trú ẩn dưới rạn san hô. Một khi nền đáy san hô bị xâm hại nghiêm trọng có thể trở thành nguyên nhân gây ra hiện tượng hàng nghìn con hải sâm bị sóng cuốn dạt vào bờ.
"Sau nhiều đợt khảo sát, chúng tôi nhận thấy tàu thuyền chở khách du lịch và đánh bắt ốc, cá bằng hình thức 'giã cào' đã gây tổn thương cho nền đáy san hô nơi đây. Tàu thuyền chở khách du lịch thả neo thiếu quy hoạch; khai thác ốc hương, cá bằng lưới cào ở tầng đáy, gây phá vỡ môi trường sống của loài hải sâm nên sức chống chịu của chúng suy giảm", ông Long nói.
Tiến sĩ Long cũng cho rằng, địa chất vùng biển nơi đây có thể thay đổi về dư chấn, dòng chảy, nền đáy san hô bị tác động mạnh nên loài hải sâm bị sóng lớn cuốn dạt vào bờ.
Về vấn đề này, PGS - TS Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng Hải dương học Nha Trang (Khánh Hòa) khẳng định hải sâm dạt vào bờ biển Phú Quốc là hiện tượng bất thường. Nhưng để biết rõ nguyên nhân cần phải phân tích, nghiên cứu chuyên sâu.
"Chúng tôi đã đề nghị Ban quản lý Khu bảo tồn biển Phú Quốc gửi mẫu hải sâm đến Viện Hải dương Nha Trang để các chuyên gia phân tích, xác định nguyên nhân loài này bị chết dạt vào bờ hàng loạt như vậy", ông Tuấn nói.
Hải Sâm dạt vào bờ biển Phú Quốc
Reviewed by Duy Thắng
on
23:49
Rating:
Không có nhận xét nào: